Giám sát việc thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư,
phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh
Thực hiện chương trình giám sát theo Quyết định số 210/QĐ-DT ngày 16/9/2022 của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh; từ ngày 11 -19/10/2022, Đoàn giám sát do đồng chí Lò Văn Thân - Trưởng Ban Dân tộc của HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tổ chức làm việc tại các huyện: Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.
Qua giám sát, trong những năm qua, chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển dịch rõ rệt, dần khẳng định là hướng đi hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập, đảm bảo sinh kế, mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân. Bước đầu đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, các trang trại, gia trại quy mô lớn. Nhiều tiến độ khoa học, kỹ thuật mời đã được áp dụng trong công tác chọn giống, lai tạo giống, chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao năng suất, chất lượng đàn đại gia súc, góp phần nâng cao hiệu quả và gia tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Đến 31/12/2021, tổng đàn trâu toàn tỉnh đạt 118.102 con; đàn bò đạt 373.276 con (bò thịt đạt 345.018 con; bò sữa 28.258 con), so với năm 2020 đàn trâu giảm 5,01%, đàn bò tăng 4%. Sản lượng thịt trâu xuất chuồng đạt 5.104 tấn; 2 thịt bò hơi đạt 6.254 tấn; sản lượng sữa đạt 97.704 tấn, so với năm 2020, sản lượng thịt trâu tăng 0,77%; thịt bò tăng 3,1%; sữa tươi tăng 14,5%. Tổng sản phẩm ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh 2010 đạt 3.500 tỷ đồng.

Đoàn công tác khảo sát thực tế tại mô hình nuôi bò nhốt chuồng của Hợp tác xã Toàn Phát, bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã
Trong giai đoạn 2015-2021, UBND các huyện, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 89/2014/NQ-HĐND ngày 17/9/2014 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ công tác phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 89/2014/NQ-HĐND ngày 17/9/2014 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ công tác phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (Chương trình 30a, Chương trình 135); Chương trình Di dân tái định cư thủy điện Sơn La…để thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc với tổng số con giống 136.548 con (bò cái giống 10.780 con, bò đực giống 03 con, ngựa cái giống 92 con) với tổng số tiền 304.033 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn và tồn tại, hạn chế, như: Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh thấp, chưa tạo được thương hiệu trên thị trường. Các khâu trong sản xuất còn thiếu tính liên kết, chưa gắn sản xuất với giết mổ, chế biến với thị trường, thường xuyên mất cân đối cung cầu, giá cả phụ thuộc vào thương lái, hiệu quả chăn nuôi chưa cao; cơ sở sản xuất giống vật nuôi phục vụ con giống cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ thấp. Hầu hết con giống do các hộ chăn nuôi tự cung tự cấp là chính, chưa chủ động nguồn cung cấp con giống đảm bảo chất lượng tại địa phương; chưa có quy hoạch đồng cỏ, diện tích đất trồng cây thức ăn gia súc; diện tích chăn thả ngày càng bị thu hẹp. chưa có nhà máy sản xuất thức ăn cho gia súc từ phụ phẩm nông nghiệp; chưa ban hành được Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi…
Phát biểu tại các buổi làm việc, đồng chí Lò Văn Thân, Trưởng Ban Dân tộc của HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND các huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn huyện; quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Kết luận số 703-KL/TU ngày 30/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; rà soát diện tích đất phục vụ chăn nuôi, diện tích đất chưa sử dụng để tạo quỹ đất thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc. Đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự thảo Nghị quyết để tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành theo thẩm quyền như: chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; quy định về các khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sơn La./.
An Khang