Giải pháp nâng cao chất lượng trong xây dựng, ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh
Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên, HĐND tỉnh Sơn La trong những năm qua, nhất là nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã luôn nhận thức sâu sắc về dân chủ và thực hành quyền dân chủ để nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, trong đó có hoạt động xây dựng và ban hành Nghị quyết.
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh giám sát công tác nấu ăn bán trú tại Trường TH-THCS Tà Hộc, huyện Mai Sơn
Đảm bảo việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh
Hàng năm, trên cơ sở chương trình, kế hoạch tổ chức các Kỳ họp đã được dự kiến, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo, điều hoà các Ban của HĐND tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh thực hiện quy trình, thủ tục xây dựng và ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Quá trình tham mưu, xây dựng cơ chế, chính sách được các cơ quan soạn thảo thực hiện đúng trình tự thủ tục; công tác xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đối tượng chịu sự tác động và tham vấn ý kiến của cử tri, nhân dân luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Một số nội dung chính sách có tác động trực tiếp đến lợi ích của đông đảo nhân dân trong tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh lựa chọn để tổ chức khảo sát, thu thập ý kiến của cử tri và nhân dân trước khi tổ chức thẩm tra và trình ra Kỳ họp HĐND tỉnh.
Trên cơ sở phân công của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch để thẩm tra, dự thảo Nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Khi tiến hành thẩm tra, thành viên các Ban của HĐND tỉnh đã dành thời gian để nghiên cứu, tham gia ý kiến và đề nghị UBND tỉnh giải trình, làm rõ các nội dung của dự thảo Nghị quyết. Sau đó, các Ban thực hiện báo cáo và xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh về tiến độ thẩm tra các nội dung và bàn bạc, thống nhất những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau trước khi báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các Ban ban hành báo cáo thẩm tra.
Báo cáo thẩm tra của các Ban ngày càng được nâng cao về chất lượng, có tính phản biện và thuyết phục, được UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn đồng tình, tiếp thu; là cơ sở quan trọng để các đại biểu HĐND tỉnh quyết nghị các nội dung trình tại Kỳ họp; góp phần nâng cao chất lượng ban hành các Nghị quyết của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, các tờ trình và dự thảo Nghị quyết cũng được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thực hiện gửi xin ý kiến các Tổ đại biểu và tổng hợp để chuyển đến UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn thực hiện tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến của đại biểu và Tổ đại biểu tại kỳ họp.
Công tác điều hành thảo luận, thông qua dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp HĐND tỉnh đã phát huy được dân chủ, tập trung trí tuệ; tạo sự đồng thuận cao trong việc thông qua các Nghị quyết, tạo tiền đề để các chính sách do HĐND tỉnh Sơn La ban hành đi vào cuộc sống. Với sự chuẩn bị chu đáo ngay từ những bước đầu tiên nên 425 Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay (trong đó có 84 Nghị quyết QPPL, 341 Nghị quyết ADPL và các Nghị quyết khác liên quan đến công tác tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh) đều bảo đảm đúng thẩm quyền, hợp hiến, hợp pháp, kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế địa phương, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân ở địa phương.
Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XV
Sau khi Nghị quyết được ban hành, công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết, nhất là các Nghị quyết có tác động sâu rộng đến đời sống của nhân dân được chú trọng, thực hiện bằng nhiều hình thức như: thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri; đại biểu tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện; đăng tải trên Trang thông tin điện tử đại biểu dân cử tỉnh, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Báo Sơn La; công tác truyền thông chính sách, thực hiện thông tin, tuyên truyền, cung cấp nội dung cơ bản của các Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách dưới nhiều hình thức phù hợp, ngắn gọn, dễ hiểu, bằng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số trên sóng phát thanh, truyền hình để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh được tiếp cận đầy đủ thông tin, hiểu được chính sách và tham gia tổ chức thực hiện cùng các cơ quan quản lý Nhà nước; tham gia ý kiến phản hồi việc thực thi các cơ chế, chính sách tại địa phương với HĐND tỉnh; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để đảm bảo Nghị quyết phát huy được hiệu quả trên thực tế, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh đã tăng cường công tác giám sát, đôn đốc chặt chẽ việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết; thực hiện tái giám sát và tổ chức chất vấn tại Kỳ họp đối với những cơ quan, thủ trưởng cơ quan triển khai chưa nghiêm túc, chưa kịp thời các ý kiến, kiến nghị sau giám sát. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 03 cuộc giám sát, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 06 cuộc giám sát, các Ban của HĐND tỉnh tổ chức 35 cuộc giám sát chuyên đề, các Tổ đại biểu tổ chức 04 cuộc giám sát như: giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát liên quan đến triển khai Nghị quyết số 122/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích bác sĩ, dược sĩ về công tác tại tỉnh Sơn La, giai đoạn 2020 - 2025; Nghị quyết số 114/2015/NQ-HĐND ngày 10/9/2015 của HĐND tỉnh quy định nội dung, mức chi kinh phí thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; tình hình thực hiện Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2022-2026; việc thực hiện Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND tỉnh quy định về mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội Dân phòng trên địa bàn tỉnh Sơn La.…Thông qua hoạt động giám sát đã kịp thời phát hiện những vấn đề còn bất cập, vướng mắc, đề nghị các cấp, các ngành xem xét điều chỉnh hoặc bãi bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp với quy định và thực tiễn của tỉnh; kịp thời chấn chỉnh những trường hợp chậm triển khai hoặc triển khai chưa đầy đủ; đảm bảo Nghị quyết được thực thi đồng bộ, hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, ban hành Nghị quyết vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải khắc phục cụ thể như sau:
Thứ nhất, mặc dù Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh đã chủ động rà soát và thống nhất với UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh về các nội dung dự kiến trình kỳ họp của HĐND tỉnh; ban hành Nghị quyết về tổ chức kỳ họp và thường xuyên có văn bản đôn đốc UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện xây dựng và trình ban hành Nghị quyết đảm bảo kịp thời song việc rà soát, đề xuất các nội dung trình Kỳ họp của UBND tỉnh chưa đảm bảo chặt chẽ, còn phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần dẫn đến không đảm bảo tiến độ như kế hoạch đã đề ra.
Thứ hai, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 bổ sung quy định về quy trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm làm rõ trách nhiệm của cơ quan đề nghị xây dựng Nghị quyết và đề cao công tác thẩm định của cơ quan tư pháp, của việc lấy ý kiến của nhân dân và đánh giá tác động của chính sách đối với các đối tượng thụ hưởng nhằm thể hiện tinh thần dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số Nghị quyết chưa phát huy được hiệu quả, phát sinh bất cập và vướng mắc nhất là những Nghị quyết cần nguồn lực thực hiện lớn.
Thứ ba, việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa nhận được sự quan tâm của cử tri và người dân nên nhận về rất ít ý kiến tham gia. Công tác khảo sát giám sát thực tế; nắm bắt thông tin phục vụ công tác thẩm tra kết hợp với quá trình giám sát việc thi hành Nghị quyết của các Ban HĐND tỉnh còn chưa được thường xuyên.
Thứ tư, việc chuẩn bị tài liệu, hồ sơ để các Ban của HĐND tỉnh thẩm tra có một số nội dung còn rất chậm, chưa đảm bảo thời gian theo quy định, thậm chí sát ngày thẩm tra vẫn chưa gửi hồ sơ, ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND cũng như chất lượng nghiên cứu, tham gia ý kiến thảo luận tổ của đại biểu và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh.
Thứ năm, một số đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh là thành viên các Ban của HĐND tỉnh chưa nêu cao vai trò của người đại biểu dân cử, chưa dành đủ thời gian theo quy định, còn phụ thuộc vào các đại biểu hoạt động chuyên trách.
Giải pháp nâng cao nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết
Một là, xác định công tác rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết quy phạm pháp luật là việc làm cần thiết, cần được thực hiện thường xuyên nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thông qua đó giúp cho Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, UBND tỉnh và các sở ngành có thể đánh giá tổng quan về các Nghị quyết, từ đó chủ động xây dựng sớm kế hoạch ban hành Nghị quyết hàng năm và cả nhiệm kỳ cũng như chủ động bố trí nguồn lực để thực hiện các Nghị quyết.
Hai là, nâng cao chất lượng soạn thảo dự thảo Nghị quyết. Các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Nghị quyết phải thực hiện theo đúng quy trình, các bước, các khâu. Tuỳ theo tính chất của từng Nghị quyết để thực hiện các khâu như: tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng; tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Nghị quyết. Mục tiêu đề ra phải cụ thể, thiết thực và có tính khả thi cao; phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng ngân sách của địa phương. Trường hợp dự thảo Nghị quyết không đạt yêu cầu về chất lượng xây dựng hoặc gửi sát thời điểm thẩm tra làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cần kiên quyết không thẩm tra.
Ba là, xác định tầm quan trọng của công tác tham vấn ý kiến của nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động khi ban hành chính sách. Đối với những dự thảo Nghị quyết về những vấn đề quan trọng, mang tính chuyên môn hoặc liên quan đền nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các Ban của HĐND tỉnh chủ động tổ chức tham vấn ý kiến của các chuyên gia, người dân chịu sự tác động để đánh giá toàn diện, sâu sắc vấn đề, góp phần cho công tác thẩm tra, phản biện có tính thuyết phục.
Ba là, sau khi Nghị quyết được ban hành, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết. Chú trọng thông tin phản hồi của các cơ quan, cá nhân, tổ chức chịu tác động để kịp thời chỉ đạo đôn đốc, điều chỉnh bổ sung hoặc bãi bỏ các nội dung chưa phù hợp, bảo đảm các Nghị quyết của HĐND tỉnh thực sự hiệu quả. Chủ động rà soát các nội dung đã ban hành nhưng không còn phù hợp với tình hình hình thực tế để yêu cầu điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Bốn là, các đại biểu HĐND nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức đầy đủ vai trò, nhiệm vụ của mình, phát huy khả năng, trí tuệ, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử. Thực tế cho thấy, chỉ khi đại biểu HĐND hiểu chính xác, nắm rõ vấn đề, nêu rõ quan điểm của mình thì HĐND mới có được những quyết định đúng và Nghị quyết được thông qua có hiệu lực, hiệu quả cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Minh Phát