PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XV NHIỆM KỲ 2020-2025
Trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV của các bộ, ngành Trung ương
Lượt xem: 555

* Kiến nghị cử tri: Đề nghị sửa đổi quy định về xây dựng đường gom được quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để đảm bảo về an toàn giao thông cũng như thuận lợi trong công tác quản lý đấu nối vào hệ thống đường bộ (nhất là đối với Quốc hội), phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi khó khăn về địa hình, quỹ đất và nguồn lực đầu tư.

Trả lời của Bộ Giao thông - Vận tải (Công văn số 6939/BGTVT-PC ngày 11/7/2022): Tại khoản 5 Điều 44 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Bên cạnh tuyến quốc lộ đi qua khu dân cư phải có đường gom để phục vụ yêu cầu dân sinh”; quy định này nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân sinh sống tại các khu dân cư dọc hai bên quốc lộ, phát huy hiệu quả khai thác cũng như bảo đảm hiệu quả đầu tư của các tuyến quốc lộ”. Bộ Giao thông vận tải đồng thuận với nội dung kiến nghị của cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La; để đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch, nhu cầu phát triển của địa phương và phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi khó khăn về địa hình, quỹ đất và nguồn lực đầu tư, dự thảo Luật Đường bộ đã đề xuất quy định như sau:

“4. Khi hình thành cảng hàng không, cảng thuỷ nội địa, cảng biển, ga đường sắt, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu thương mại - dịch vụ, khu đô thị, khu dân cư hoặc khi hình thành, mở rộng địa giới hành chính đô thị, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc chủ đầu tư phải đánh giá tác động giao thông để có giải pháp phù hợp, bảo đảm lưu lượng phương tiện, nhu cầu đi lại của người dân và xây dựng dựng đường gom ngoài hành lang an toàn đường bộ để kiết nối giao thông đường bộ.

Trường hợp do quy hoạch của tuyến đường bộ, địa hình khu vực không thể bố trí được đường gom ngoài hành lang thì có thể bố trí một phần đường gom trong hành lang an toàn đường bộ để hạn chế kết nối trực tiếp đường dân sinh, đường từ nhà ở hoặc các công trình khác vào đường bộ khi:

a) Bề rộng hành lang còn lại đủ để mở rộng đường theo quy hoạch;

b) Đảm bảo bảo vệ công trình đường bộ;

c) Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và tầm nhìn xe chạy”.

Trong quá trình xây dựng Luật Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định này để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo an toàn giao thông cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này.

* Kiến nghị cử tri: Đề nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản hướng dẫn và có giải pháp mang tính đặc thù tháo gỡ khó khăn trong việc đăng kiểm, đăng ký phương tiện thuỷ nội địa có quy mô, công suất nhỏ, được đóng theo kinh nghiệm (không có thiết kế được phê duyệt) hiện đang hoạt động trên lòng hồ Sông Đà.

Trả lời của Bộ Giao thông - Vận tải (Công văn số 7970/BGTVT-PC ngày 04/8/2022): Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các chủ phương tiện trong việc đăng kiểm, đăng ký phương tiện thuỷ nội địa có quy mô, công suất nhỏ, được đóng theo kinh nghiệm đang hoạt động trên lòng hồ Sông Đà nói chung và trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng. Theo đó, sau gần 2 năm nhận bàn giao, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh Sơn La và đạt được một số kết quả như sau:

Trong năm 2021, Chi cục Đăng kiểm số 1, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp với Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái - Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La kiểm tra, rà soát và lập hồ sơ cho 293 phương tiện thuỷ nội địa. Trong đó có 205 phương tiện thuộc đối tượng phải đăng kiểm và 88 phương tiện không thuộc diện phải đăng kiểm. Đến nay, Chi cục Đăng kiểm số 1 đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho 62/205 phương tiện thuỷ nội địa thuộc diện phải đăng kiểm. Đối với 143/205 phương tiện thuỷ nội địa còn lại, mặc dù Chi cục Đăng kiểm số 1 phối hợp với Sở Giao thông vận tải đã thông báo chuẩn bị hồ sơ để thực hiện đăng kiểm nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía các chủ phương tiện. Đề nghị các chủ trương tiện nêu trên khẩn trương liên hệ với Chi cục Đăng kiểm số 1 hoặc Sở Giao thông vận tải để được hướng dẫn và thực hiện công tác đăng kiểm cho phương tiện thuỷ nội địa của mình theo đúng quy định.

Năm 2022, Chi cục Đăng kiểm số 1 đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải và Phòng kinh tế hạ tầng huyện đã kiểm tra, rà soát và thực hiện đăng kiểm cho 30 phương tiện thuỷ nội địa trên địa bàn các huyện Phù Yên, Mai Sơn và Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra, rà soát và đăng kiểm cho các phương tiện thuỷ nội địa tại các huyện Phù Yên, Mai Sơn và Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra, rà soát và đăng kiểm cho các phương tiện thuỷ nội địa tại các huyện Mường La và Bắc Yên trong tháng 10/2022. Theo dự kiến, công tác đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh Sơn La sẽ được hoàn thành trong năm 2022.

* Kiến nghị cử tri: Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/01/2015 của Chính phủ theo hướng nâng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác và bổ sung quy định một số chức danh, thành phần được thụ hưởng nhuận bút, thù lao.

Trả lời của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Công văn số 2981/BVHTTDL-VP ngày 10/8/2022): Quy định về việc chi trả nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác được thực hiện theo Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Theo đó, nguyên tắc trả nhuận bút, thù lao trên cơ sở thoả thuận giữa bên sử dụng tác phẩm và tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; trường hợp tác phẩ do Nhà nước đặt hàng, đấu thầu thì nhuận bút, thù lao được trả theo hợp đồng đặt hàng, đấu thầu. Đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Nghị định số 21/2015/NĐ-CP đã cập nhật, bổ sung tên gọi của một số chức danh, thành phần sáng tạo cho phù hợp với thực tiễn; chỉnh sửa, bổ sung và cụ thể hoá một số thể loại, quy mô tác phẩm và khung nhuận bút, thù lao tính theo mức lương cơ sở hoặc theo tỷ lệ phần trăm (%) doanh thu cuộc biểu diễn nhằm tạo sự linh hoạt để bên sử dụng tác phẩm và bên sáng tạo tác phẩm có thể khuyến khích, tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Nhuận bút được căn cứ vào quy mô, chất lượng tác phẩm nghệ thuật để trả cho các chức danh, thành phần sáng tạo tác phẩm trên cơ sở mức lương cơ sở. Từ năm 2015 đến nay, khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng thì mức chi trả nhuận bút cũng tăng theo tương ứng.

Tuy nhiên, trải qua 07 năm thi hành Nghị định số 21/2015/NĐ-CP trên thực tế có nhiều nội dung hạn chế, bất cập. Ngày 05/4/2022, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 1136/BVHTTDL-BQTG về việc báo cáo Tổng kết thi hành Nghị định số 21/2015/NĐ-CP gửi các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tiến hành tổng hợp, nghiên cứu tham mưu, đề xuất trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP trong thời gian tới.

* Kiến nghị của cử tri: Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Trả lời của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Công văn số 2981/BVHTTDL-VP ngày 10/8/2022): Ngày 20/5/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg quy định những đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, cụ thể như sau: Mức phụ cấp 20% áp dụng đối với đối tượng: Người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng; diễn viên tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa ruối nước, nhạc kịch (Opera), vũ kịch (múa Ballet), kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể; người biểu diễn nhạc cụ hơi; Mức phụ cấp 15%, áp dụng đối với đối tượng: Người chỉ huy dàn hợp xướng, dàn nhạc sân khấu truyền thống; diễn viên kịch câm, hát dân ca, hát mới, múa rối cạn, múa đương đại, múa dân gian dân tộc, múa hát cung đình, múa tạp kỹ; Người biểu diễn nhạc cụ dây, nhạc cụ gõ, nhạc cụ bàn phím; kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng. Mức ưu đãi nghề nghiệp trên được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, cân đối giữa các bộ môn nghệ thuật, đồng thời căn cứ vào đặc thù chuyên môn, quá trình đào tạo và chức năng hoạt động của từng chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Về chế độ bồi dưỡng luyện tập và biểu diễn: Tại Điều 4 Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg ngày 20/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể các mức hưởng chế độ bồi dưỡng trên cơ sở đóng góp của từng diễn viên (diễn viên chính, diễn viên chính thứ, diễn viên phụ) đối với sự thành công của vở diễn, chương trình, tiết mục nghệ thuật biểu diễn.

* Kiến nghị của cử tri: Đề nghị xem xét đầu tư cầu kiên cố bắc qua sông Đà tại khu vực Bến phà Vạn Yên thuộc bản Liếm, xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La nằm trên Quốc lộ 43 tại km27, do Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý; nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trao đổi hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực Vạn Yên - Phù Yên, kết nối với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Sơn La, cũng như kết nối với tỉnh Yên Bái, tỉnh Phú Thọ. Đây là vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần và đã được Bộ Giao thông vận tải trả lời, đã tiếp thu và sẽ nghiên cứu đầu tư vào giai đoạn tới. Tuy nhiên, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận thấy, các xã vùng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình đã di dân, tái định cư hơn 30 năm nhưng đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, vì vậy, việc sớm đầu tư xây dựng công trình này vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Vân Hồ, Mộc Châu của tỉnh Sơn La, vừa giúp cho các xã vùng lòng hồ sông Đà có cơ hội, điều kiện phát triển tốt hơn, giảm nghèo nhanh và bền vững, theo kịp được sự phát triển chung của tỉnh, đồng thời đáp ứng lòng mong mỏi cử tri và Nhân dân. Do đó, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu và tiếp tục chuyển kiến nghị này đến Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm xem xét.

Trả lời của Giao thông - Vận tải (Công văn số 8300/BGTVT-KHĐT ngày 12/8/2022): Hiện nay, lưu thông trên Quốc lộ 43 đoạn vượt sông Đà vẫn đang phải sử dụng phà tại bến phà Vạn Yên nên việc nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đà tại đây là vần thiết để tăng cường lưu thông trên tuyến, giảm thời gian qua phà. Do vị trí xây dựng cầu nằm trong lòng hò thuỷ điện Hoà Bình có mực nước lên xuống không ổn định, tổng mức đầu tư xây dựng công trình lớn (dự kiến khoảng hơn 1.200 tỷ đồng) trong khi lưu lượng lưu thông trên tuyến hiện tại còn thấp (<200 xe ô tô/ngày đêm). Trong giai đoạn 2021-2025, do nguồn lực khó khăn nên Bộ Giao thông vận tải chỉ được phân bổ tổng số khoảng 304.104 tỷ đồng thấp hơn nhiều so với nhu cầu đầu tư khoảng 462.000 tỷ đồng. Theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, số vốn này phải ưu tiên bố trí cho các nhiệm vụ chi bắt buộc, một số dự án động lực, cấp bách, xử lý các điểm nghẽn thuộc 5 chuyên ngành giao thông trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trong 5 năm.

Mặc dù trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp nêu trên; Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Chính phủ ưu tiên bổ sung đầu tư xây dựng tuyến tránh thành phố Sơn La (Km289+950-Km308+820 Quốc lộ 6) sử dụng nguồn vốn dư của dự án VRAMP với tổng kinh phí là 567 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách Trung ương còn hỗ trợ tỉnh Sơn La 1.800 tỷ đồng đầu tư đường cao tốc Hoà Bình - Sơn La đoạn trên địa bàn tỉnh Sơn La (Km53-Km84) với quy mô đường cao tốc 02 làn xe.  

Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri về sự cần thiết nghiên cứu đầu tư công trình cầu qua sông Đà tại khu vực bến phà Vạn Yên trên quốc lộ 43 để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo khu vực khi cân đối được nguồn lực. Trước mắt, việc kết nối giao thông giữa các huyện trong khu vự phà Vạn Yên tỉnh Sơn La với các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái vẫn sử dụng Quốc lộ 37 đi qua cầu Tạ Khoa vượt sông Đà, tuyến song song với Quốc lộ 43.

* Kiến nghị của cử tri: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có liên quan chủ trì, phối hợp với tỉnh Sơn La và các địa phương xây dựng Đề án hình thành, phát triển hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, trong đó có các giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù giúp Sơn La trở thành một cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của tiểu vùng Tây Bắc và trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ.

Trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 5749/BKHĐT-TH ngày 15/8/2022): Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị khoá XII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đả quốc phòng, an ninh trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 4142/TTr-BKHĐT ngày 20/6/2022 trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, tỉnh Sơn La đã được định hướng trở thành một cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng, trung tâm kinh tế của tiểu vùng Tây Bắc và trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đồng thời, tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, hình thành hành lang kinh tế kết nối Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La - Điện Biên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để triển khai khi Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW được Chính phủ ban hành để phát triển Sơn La theo định hướng phát triển của Bộ Chính trị.

* Kiến nghị của cử tri: Việc thực hiện xét thăng hạng theo chức danh nghề nghiệp cho giáo viên trước đây được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 20, 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành các Thông tư số 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT trong đó bãi bỏ các nội dung của Thông tư liên tịch số 20, 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. Hiện nay, các giáo viên đề nghị xét thăng hạng đều đang giữ ngạch theo chức danh nghề nghiệp quy định tại Thông tư liên tịch số 20, 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; trong khi đó các Thông tư số 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT lại quy định việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp không được kết hợp thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định dẫn đến khó khăn trong quy trình xét thăng hạng cho đội ngũ giáo viên. Để đảm bảo chế độ, chính sách đối với giáo viên có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp, đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện việc xét thăng hạng theo đúng quy định.

Trả lời của Bộ Giáo dục - Đào tạo (Công văn số 4140/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 26/8/2022): Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT quy định khi bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ (theo các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) sang hạng chức danh nghề nghiệp mới tương ứng (theo các Thông tư số 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT) không được kết hợp thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Quy định này không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức kỳ thi hoặc xét thăng hạng giáo viên. Theo đó, sau khi được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp mới tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT, nếu giáo viên mầm non, phổ thông có nhu cầu và đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT ngày 30/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trung tuyến trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thì có thể đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng theo kế hoạch tổ chức thi/xét thăng hạng của cơ quan có thẩm quyền.

* Kiến nghị của cử tri: Trên địa bàn tỉnh Sơn La, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (gọi chung là thôn, tổ) có một số khó khăn, vướng mắc như: Nghị định chỉ quy định 3 chức danh (Bí thư chi bộ, Trưởng bản, Trưởng ban công tác mặt trận) được hưởng phụ cấp, các chức danh còn lại (Phó Bí thư chi bộ, Phó trưởng bản, Phó trưởng ban công tác mặt trận và trưởng, phó các tổ chức đoàn thể) khi trực tiếp tham gia công việc thì không được hưởng phụ cấp hàng tháng mà được bồi dưỡng (theo số ngày) từ nguồn đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có). Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách của tỉnh rất hạn hẹp, kinh phí cấp khoán cho các đoàn thể rất ít và việc thu đoàn phí, hội phí của các đoàn thể tại khu vực vùng cao, dân tộc thiểu số, biên giới (chủ yếu là vùng kinh tế - xã hội khó khăn) rất khó khăn, trong khi công việc ở cơ sở rất nhiều, nhất là trong thời gian qua phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, phải huy động tối đa lực lượng cán bộ thôn, tổ đã mở rộng địa bàn và tăng đáng kể khối lượng công việc của cán bộ thôn, tổ. Do bất cập của chế độ, chính sách đã ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ sở, chưa khuyến khích, động viên cán bộ gắn bó, tâm huyết, trách nhiệm cao với công việc; về lâu dài sẽ dẫn đến làm giảm sút chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khó duy trì bộ máy và huy động khi có nhiệm vụ đột xuất cần thực hiện. Từ thực tế trên, đề nghị tham mưu Chính phủ sớm đánh giá, sơ kết việc thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Cử tri đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước, bao gồm cả các chức danh hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Trả lời của Bộ Nội vụ (Công văn số 4183/BNV-CQĐP ngày 27/8/2022): Bộ Nội vụ đang tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và cử tri (trong đó có cử tri tỉnh Sơn La) để trình cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện thể chế về số lượng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cho phù hợp. Trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành của pháp luật, đề nghị tỉnh Sơn La thực hiện số lượng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

* Kiến nghị của cử tri: Đề nghị xem xét bổ sung, sửa đổi Điều 2 Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Lý do: tại Điều 2 quy định thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc… (gọi chung là thôn) được tổ chức ở xã, dưới xã là thôn. Tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu,… (gọi chung là tổ dân phố) được tổ chức ở phường, thị trấn; dưới phường, thị trấn là tổ dân phố. Do tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong khu vực ở một phường, thị trấn, do vậy không nhất thiết dưới phường là tổ dân phố mà giao cho địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để đặt tên cho phù hợp với cấp đô thị miền núi (thực tế hiện nay tại tỉnh Sơn La, ở các phường, thị trấn vẫn có các bản, tiểu khu).

Trả lời của Bộ Nội vụ (Công văn số 4183/BNV-CQĐP ngày 27/8/2022): Theo Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố thì thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc… (gọi chung là thôn) được tổ chức ở xã; tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu,… (gọi chung là tổ dân phố) được tổ chức ở phường, thị trấn. Việc quy định như trên để thống nhất áp dụng các quy định về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố phù hợp với đặc điểm của đơn vị hành chính nông thôn (xã) và đơn vị hành chính đô thị (phường, thị trấn). Căn cứ truyền thống văn hoá, lịch sử và tình hình cụ thể của từng địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh đặt tên các tổ chức tự quản nêu trên cho phù hợp.

* Kiến nghị của cử tri: Đề nghị xem xét sửa đổi Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; nhất là tiêu chuẩn đối với chức danh Bí thư đoàn cấp xã cho phù hợp với Quyết định số 289-QĐ/TW ngày 08/02/2010 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quy định về tiêu chuẩn cán bộ đoàn xã, phường, thị trấn cũng như phù hợp với tình hình thực tiễn theo quy định về độ tuổi trẻ hiện nay. Cụ thể: Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, quy định: “Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Không quá 30 tuổi khi tham gia giữ chức vụ công tác”; Quyết định số 289-QĐ/TW ngày 08/02/2010 của Ban Bí thư quy định về tiêu chuẩn cán bộ đoàn cấp cơ sở “Giữ chức vụ không quá 35 tuổi” và “tuổi cán bộ đoàn được quy định theo cương vị được giao và có thể hơn từ 1 đến 2 tuổi cho phù hợp với yêu cầu công tác cụ thể”. Do văn bản chưa thống nhất, vì vậy trong quá trình tổ chức thực hiện hiện về nhân sự các chức danh lãnh đạo Đoàn thanh niên cấp xã còn gặp nhiều khó khăn; bên cạnh phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, nhân sự Bí thư Đoàn cấp xã còn phải là đảng viên, do chức danh bí thư đoàn cấp xã nằm trong cơ cấu tham gia cấp ủy, vì vậy việc lựa chọn nhân sự chức danh bí thư đoàn có độ tuổi dưới 30 hiện nay theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ là rất khó khăn.

Trả lời của Bộ Nội vụ (Công văn số 4183/BNV-CQĐP ngày 27/8/2022): Tiêu chuẩn cán bộ của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ. chức chính trị - xã hội cấp xã hiện nay đang thực hiện theo quy định của Điều lệ, các Luật và văn bản của cấp có thẩm quyền quy định đối với tổ chức đó. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan rà soát các quy định về tiêu chuẩn cán bộ cấp xã để sửa đổi Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn cho phù hợp. Đối với chức danh Bí thư Đoàn cấp xã: Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV nêu trên ban hành trước khi có Quyết định số 289-QĐ/TW ngày 08/02/2010 của Ban Bí thư, vì vậy đề nghị tỉnh Sơn La thực hiện độ tuổi đối với chức danh Bí thư Đoàn cấp xã theo quy định tại Quyết định số 289-QĐ/TW của Ban Bí thư.

* Kiến nghị của cử tri: Tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Đối tượng áp dụng thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, gồm có: (1) Cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh); ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp huyện); (2) Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; (3) Các đơn vị sự nghiệp hoạt động bằng kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp. Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì UBND cấp xã là 01 cấp đơn vị hành chính, hiện nay đã được đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để triển khai, thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, tại Tiết 1 Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP chưa thể hiện cấp xã là cơ quan hành chính Nhà nước. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ xem xét bổ sung cụm từ “xã, phường, thị trấn” vào Tiết 1 Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Trả lời của Bộ Nội vụ (Công văn số 4408/BNV-CCVC ngày 08/9/2022): Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã đề ra chủ trương “thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng theo quy định của Bộ Luật lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này”.

Thể chế hoá chủ trương nêu trên, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BNV, theo đó nội dung của Nghị định và Thông tư đã quy định rõ việc chuyển lý hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP sang ký hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (không tiếp tục áp dụng mức lương và các chế độ, chính sách như đối với cán bộ, công chức, viên chức; số lượng người ký hợp đồng không tính vào số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Hiện nay, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ Nghị định về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp với một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (Tờ trình số 4064/TTr-BNV ngày 23/8/2022), theo đó sẽ bổ sung đối tượng cơ quan hành chính nhà nước được ký kết hợp đồng lao động bao gồm cả cơ quan hành chính Nhà nước cấp xã như kiến nghị của cử tri tỉnh Sơn La.  

* Kiến nghị của cử tri: Việc tuyển dụng giáo viên theo vị trí việc làm quy định tại Nghị định số 115/2022/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức còn có điểm chưa phù hợp trong việc xác định vị trí việc làm cần tuyển đối với từng đơn vị, vì có những trường hợp cụ thể như: (1) Người dự tuyển chỉ được phép đăng ký dự tuyển vào một vị trí tuyển dụng duy nhất dẫn đến có nhiều đơn vị ở vùng có điều kiện khó khăn, vùng sâu, vùng xa không có người đăng ký dự tuyển, do đó không thể tuyển dụng được giáo viên; (2) Có vị trí chỉ có 01 người đăng ký dự tuyển chỉ cần đạt 50 điểm là trúng tuyển dẫn đến không có sự cạnh tranh và khong tuyển được người có chất lượng chuyên môn tốt hoặc không đạt 50 điểm trở lên vẫn không tuyển dụng được. Trong khi đó, vị trí khác nhiều người cao điểm vẫn bị trượt vì chỉ có 01 chỉ tiêu tuyển dụng, như vậy không tuyển được người có trình độ chuyên môn tốt. Do vậy, đề xuất kiến nghị nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ sửa đổi theo hướng như sau: Cho phép địa phương (các tỉnh miền núi phía Bắc) tuyển dụng theo chuyên ngành từng bộ môn giảng dạy, lấy theo kết quả tổng điểm từ cao đến thấp cho đến khi hết chỉ tiêu (tổng điểm cao hơn tổng điểm tối thiểu) và sau đó mới phân công về các trường sẽ đảm bảo được chất lượng tuyển dụng, cũng như sẽ tuyển được giáo viên cho các trường vùng khó khă, miền núi, vùng sâu, vùng xa đang thiếu giáo viên”.

Trả lời của Bộ Nội vụ (Công văn số 4629/BNV-CCVC ngày 19/9/2022): Theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 thì một trong những nguyên tắc tuyển dụng viên chức phải bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm (Điều 21). Căn cứ vào nguyên tắc nêu trên, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định việc tuyển dụng phải căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng đối với từng vị trí việc làm trong từng đơn vị sự nghiệp; người đăng ký dự tuyển phải ghi rõ vị trí việc làm dự tuyển theo từng đơn vị tại Phiếu đăng ký dự tuyển. Do đó, việc xác định kết quả theo tổng điểm từ cao xuống thấp, sau đó mới phân công về các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ không bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của Luật. Tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Sơn La, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định để đáp ứng đúng nguyên tắc tuyển dụng, đồng thời giải quyết khó khăn từ thực tiễn khi sửa đổi Luật Viên chức./.

VIDEO CLIP
Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng năm mới Giáp Thìn 2024 (Nguồn: baosonla.org.vn)
  • Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng năm mới Giáp Thìn 2024 (Nguồn: baosonla.org.vn)
  • Lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 14 HĐND tỉnh khóa XV (nguồn sonlatv.vn)
  • Kiến nghị giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan chủ quản dự án đường bộ cao tốc đoạn Hòa Bình Mộc Châu (nguồn: quochoitv.vn)
  • 10 kết quả nổi bật của tỉnh Sơn La năm 2022 (nguồn: sonlatv.vn)
  • Sơn La khát vọng phát triển xanh (nguồn: STV và VTV1)
  • Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh dự sinh hoạt chi bộ bản Chan Chiềng, xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn
  • Thắm mãi tình hữu nghị Việt Lào
  • Tăng cường hợp tác toàn diện giữa Việt Nam Lào, hợp tác giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào
  • Đến Phiên chợ 0 đồng của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội dành riêng cho trẻ em nghèo vùng cao (nguồn: quochoitv.vn)
  • Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XV
Trang đầu « 1 2 3 » Trang cuối 
Đồng chí Nguyễn Thái Hưng - Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc Kỳ họp
Đồng chí Nguyễn Thái Hưng - Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc Kỳ họp
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp
Đại biểu dự kỳ họp
Đại biểu dự kỳ họp
Đồng chí Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Sơn La trao đổi với các đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp
Đồng chí Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Sơn La trao đổi với các đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp
Đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp tại điểm cầu huyện Sốp Cộp
Đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp tại điểm cầu huyện Sốp Cộp
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh báo cáo kết quả thẩm tra
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh báo cáo kết quả thẩm tra
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement

  

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA 
    Địa chỉ: Trung tâm hành chính tỉnh, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La     
Giấy phép xuất bản số: 09/GP-TTĐT ngày 19/11/2021
Điện thoại: 02123.850.036;  Email: hdnd@sonla.gov.vn