Chiều 26/3/2022, Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các đồng chí Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La; Hoàng Thị Đôi, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đồng chủ trì Hội nghị.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị lấy ý kiến được tổ chức tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La với sự tham dự của các vị đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, tập thể Thường trực huyện ủy, UBND huyện Vân Hồ, đại diện lãnh đạo 04 xã: Vân Hồ, Xuân Nha, Lóng Luông, Chiềng Khoa của huyện vân Hồ.
Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Hoàng Thị Đôi - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin nhanh về những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, với nhiều chính sách đi trước và cao hơn quy định của Trung ương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm và chỉ đạo ban hành nhiều văn bản triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Theo số liệu thống kê từ năm 2009 đến nay toàn tỉnh xảy ra 5.688 vụ bạo lực gia đình, đối tượng gây bạo lực đa số là nam giới và nạn nhân là phụ nữ, người già, trẻ em - những đối tượng yếu thế cần pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, hầu hết những người bị bạo lực không tìm đến sự trợ giúp của chính quyền, đoàn thể và cơ quan chức năng. Việc sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình là thực sự cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đồng thời đảm bảo phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thứ XV. Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành. Qua đó, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành; bảo đảm phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia và bài học kinh nghiệm quốc tế. Ủy ban Xã hội là cơ quan chủ trì việc thẩm tra dự án Luật này, đặc biệt là việc lấy ý kiến góp ý từ thực tiễn trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương nhằm nắm bắt thông tin về việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương; đồng thời, tạo diễn dàn cung cấp thông tin, trao đổi thảo luận, góp ý kiến làm cơ sở để Ủy ban Xã hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) một số vấn đề như: Quy định rõ các biện pháp khắc phục những bất cập trong công tác báo cáo thông tin trong bạo lực gia đình; bổ sung các loại hình thức báo tin về vụ bạo lực gia đình; cần đề cập, nâng cao vai trò của các thiết chế gia đình, dòng tộc, cộng đồng, xã hội về phòng chống bạo lực gia đình. Một số nội dung được đề cập đến trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình còn chung chung, chưa được cụ thể hóa dẫn đến chưa nhận diện được đúng đầy đủ về hành vi bạo lực gia đình; cần bổ sung các chính sách cụ thể đảm bảo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ, bảo vệ các đối tượng yếu thế và người bị bạo lực gia đình; quy định những điều kiện đảm bảo đặc thù trong thông tin giáo dục truyền thông và tư vấn về bạo lực gia đình đối với 1 số đối tượng ưu tiên, cũng như những hỗ trợ đặc biệt cho những người khuyết tật là nạn nhân của bạo lực gia đình,…
Các ý kiến đã được Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp, làm căn cứ xây dựng Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Lò Cường Thịnh