02/11/2022
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Lượt xem: 344
Sáng ngày 02/11/2022, dưới sự điều hành của đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 5 đã tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Tham gia vào dự thảo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Đôi - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đề nghị bổ sung đối tượng “tổ chức, gia đình, cộng đồng” trong hoạt động mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt… Vì trong thực tế, bên mua hàng hóa, dịch vụ để tiêu dùng còn có tổ chức (cơ quan, đơn vị, cộng đồng), đồng thời, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung các khái niệm liên quan đến “Thương mại điện tử” để đảm bảo sự bao quát của phạm vi điều chỉnh của Luật. Vì hiện nay hình thức giao dịch qua “Thương mại điện tử” đã diễn ra với rất nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, đã xảy ra nhiều hoạt động vi phạm quyền lợi người tiêu dùng… Tuy nhiên trong Luật chưa đưa các khái niệm liên quan đến Thương mại điện tử và điều khoản điều chỉnh liên quan…
Đại biểu Đinh Công Sỹ phát biểu tại Phiên họp Tổ
Cùng tham gia vào dự thảo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị việc bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin từ Điều 8 đến Điều 11 của dự thảo Luật cần quy định rõ trường hợp sử dụng, ủy quyền sử dụng thông tin người tiêu dùng phải được sự cho phép của người tiêu dùng, vì thực tế hiện nay thông tin của người tiêu dùng bị sử dụng, lạm dụng rất nhiều; cần thể hiện rõ trong luật quy định quản lý và xử lý việc để lộ thông tin người tiêu dùng trên môi trường giao dịch điện tử hiện nay; dự thảo Luật đã quy định hình thức, phương tiện bảo vệ người tiêu dùng, tuy nhiên cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước (Bộ Công Thương…) trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bằng các hình thức như sử dụng số điện thoại đường dây nóng... Ngoài ra, cũng cần quy định chặt chẽ trong việc bảo vệ người tiêu dùng sử dụng mạng xuyên quốc gia hiện nay tại Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội...

Đại biểu Hoàng Thị Đôi phát biểu tại Phiên họp Tổ
Tham gia vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Đôi đề nghị xem xét, bổ sung quy định chi tiết về các điều kiện cụ thể, tường minh mà một thông điệp dữ liệu phải đáp ứng để được công nhận là một chứng cứ hợp pháp. Hiện tại, quy định tại dự thảo Luật chưa xác định chưa rõ ràng vấn đề này. Việc khai thác dữ liệu điện tử để phục vụ cho hoạt động tố tụng có thể gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư cá nhân, quyền của bên thứ ba, vấn đề an ninh - chính trị; Bên cạnh đó, dự thảo chưa đề cập đến những vấn đề phát sinh khi thực hiện tra cứu, thu thập, xác minh dữ liệu liên quan đến yếu tố nước ngoài; đề nghị bổ sung quy định trường hợp thông tin vi phạm trên nền tảng số được bắt nguồn từ người sử dụng dịch vụ, nhà cung cấp nền tảng số sẽ không phải chịu trách nhiệm về thông tin được lưu trữ theo yêu cầu của người nhận dịch vụ. Quy định chi tiết biện pháp khắc phục, xử lý trong trường hợp xảy ra thông tin vi phạm sẽ hỗ trợ các nhà cung cấp nền tảng giải quyết vấn đề hiệu quả, nhanh chóng; minh bạch hóa quá trình giải quyết tranh tranh chấp giữa các bên.
Cường Thịnh