Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận tại tổ về một số dự án Luật và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 08/6 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi phát biểu tại phiên thảo luận
Phát biểu tham gia đối với dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi):
Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị xem xét bổ sung thêm một hành vi “Hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ” và giải thích rõ cụm từ “mua bán thai nhi”. Đề nghị bổ sung vào khoản 4 Điều 5 quy định đối với khu vực biên giới, vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp là vùng được Nhà nước ưu tiên để bố trí ngân sách cho công tác phòng chống mua bán người. Tại khoản 2 Điều 7 đề nghị bổ sung việc tuyên truyền về các biện pháp xử lý hành chính, hình sự đối với tội phạm mua bán người nhằm tăng cường tính răn đe đối với các đơi tượng sẽ, đã hoặc đang có hành mua bán người…
Đại biểu Đinh Công Sỹ phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị việc sửa đổi Luật cần phải khắc phục được một số hạn chế mà Chính phủ đã nêu ra tại Tờ trình, các quy định cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn trong việc phát hiện các vụ việc mua bán người. Việc hỗ trợ nạn nhân trong đó bao gồm hỗ trợ ban đầu và hỗ trợ lâu dài về việc làm cần có quy định cụ thể trong dự thảo luật. Về quy định phòng ngừa cần bổ sung thêm về quản lý an ninh trật tự quản lý về nơi cứ trú, hoạt động xuất nhập cảnh nên được quy định rõ trong dự thảo luật, đại biểu cũng đề nghị cần quy định cụ thể hơn sự tham gia của các cơ quan chức năng của Việt Nam vào các cơ chế phòng ngừa mua bán người với các tổ chức khu vực và trên thế giới.
Phát biểu tham gia vào dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên:
Đại biểu Quàng Văn Hương phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Quàng Văn Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị xem xét việc sử dụng cụm từ “dân tộc ít người” trong dự thảo Luật để đảm bảo đúng với quy định của Hiến pháp và Nghị quyết đại hội XIII của Đảng hiện nay đang sử dụng cụm từ “dân tộc thiểu số”. Tại khoản 3 Điều 7 đề nghị làm rõ hơn khái niệm “không đáng kể” nhằm xác định rõ nội hàm của cụm từ này.
Đại biểu Lò Việt Phương phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Lò Việt Phương - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị cần quy định rõ về người tham gia tư pháp đối với người chưa thành niên trong dự thảo Luật. Tại Điều 135 đề nghị tách vụ án người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng…
Phát biểu tham gia vào dự án Luật Công đoàn (sửa đổi): Đại biểu Quàng Văn Hương đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá rõ việc bỏ khoản 2 Điều 12 của Luật hiện hành quy định về chính sách phát triển hỗ trợ việc làm. Tại khoản 3 Điều 30 đề nghị Chính phủ cần cân nhắc đánh giá kỹ việc đầu tư, xây dựng nhà ở cho đoàn viên công đoàn và người lao động thuê; nhà lưu trú cho đoàn viên công đoàn công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; các thiết chế công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động có đảm tính khả thi thực hiện hay không hoặc có thể quy định theo hướng hỗ trợ…
Tham gia ý kiến vào chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035:
Đại biểu Hoàng Thị Đôi đề xuất mức bố trí vốn ngân sách đại phương cụ thể đối với các tỉnh miền núi biên giới phía bắc theo hướng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ cấn đối bố trí 100% vốn từ ngân sách trung ương cho các tỉnh miền núi phía bắc vì đây là các tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội… Đối với thống nhất quản lý các dự án liên quan đến phát triển văn hóa đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt ở các Chương trình, nhất trí với đề xuất của Chính phủ cho phép chuyển dự án 6 về bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Đại biểu cũng đồng tình với ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát đánh giá tác động làm rõ hơn sự cần thiết điều chuyển cơ chế điều chuyển về bố trí nguồn vốn và trình tự, thủ tục đảm bảo khả thi triển khai không gặp khó khăn, vướng mắc...
Đại biểu Chá A Của phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Chá A Của - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Chính phủ sớm chuẩn bị dự thảo Nghị quyết chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 để Quốc hội thảo luận. Tại báo cáo của Chính phủ đề nghị cần thống nhất các mục tiêu đảm bảo giai đoạn trước cần thống nhất với giai đoạn tiếp theo. Đại biểu cũng đề nghị cần lồng ghép nội dung về vấn để thể chất, thẩm mỹ với vấn đề giái dục đào tại nhằm đánh giá, khái quát theo từng giai đoạn về phát triển con người Việt Nam. Đề nghị Chính phủ báo có rõ cơ sở xác định 22 tiêu và 29 chỉ tiêu để các đại biểu nắm bắt được trong việc quyết định nội dung này phục vụ trong quá trình xây Nghị quyết được cụ thể hơn…
Cường Thịnh