03/11/2022
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Lượt xem: 336
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 02/11/2022, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phiên thảo luận tại Tổ thảo luận số 5 về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Chá A Của phát biểu tại Phiên họp Tổ
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ về sự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Chá A Của - Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo số thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu đề nghị tại Điều 86 Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được xây dựng theo tinh thần của Điều 62 Luật đất đai 2013 theo hướng liệt kê 02 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, chính sự liệt kê này đã dẫn đến sự trùng lặp trong chính Điều luật và thể hiện sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ với các quy định của pháp luật khác có liên quan. Tại khoản 3 Điều 93 dự thảo không quy định rõ “người dân có ý kiến không đồng ý với phương án bồi thường”, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại, sau khi tổ chức đối thoại sẽ hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên sau khi tổ chức đối thoại với người dân, họ tiếp tục không đồng ý với phương án bồi thường đưa ra, thì giải quyết như thế nào, nội dung này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa giải quyết được tồn tại, bất cập trong thời gian vừa qua. Tại khoản 1 Điều 110 quy định về trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất, việc đợi hết thời hạn thuê đất của các đơn vị rồi thu hồi đất và không bồi thường tài sản gắn liền với đất cho tổ chức là chưa công bằng giữa các đối tượng sử dụng đất vì các tổ chức vẫn có nhu cầu sử dụng đất tuy nhiên nhà nước không nhất trí thì cần phải có cơ chế bồi thường tài sản hợp pháp của đơn vị nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước; điểm g, n, khoản 1 Điều 134 đề nghị cần có sự điều chỉnh ở pháp luật về đầu tư để giải quyết cho trường hợp quy định để tránh khoảng trống pháp lý và lúng túng trong quá trình thực hiện...

Đại biểu Quàng Văn Hương phát biểu tại Phiên họp Tổ
Đại biểu Quàng Văn Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị tại Điều 181 quy định về hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân theo quy định luật cũ là 10 lần, hạn mức Luật sửa đổi hiện nay mở rộng không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, tuy nhiên để việc áp dụng quy định hạn mức sát với thực tiễn trong quá trình thực hiện đề nghị quy định theo hướng giao cho Chính phủ quy định chi tiết đối Điều này; đề nghị cần quy định chính sách thu hút được đầu tư về vùng khó khăn… . Tại Điều 24 đề nghị bỏ quy định “có chính sách tạo điều kiện” và thay bằng cụm từ “có chính sách ưu tiên” như vậy sẽ phù hợp hơn trong quá trình thực hiện, áp dụng. Tại khoản 3 Điều 60 đề nghị quy định theo hướng tổ chức, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Điều 185 đề nghị quy định ưu tiên giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cần có quy định chi tiết đối với các chính sách áp dụng được quy định tại Điều 223... Ngoài ra, việc quy định về đất rừng phòng hộ tại Điều 189, đề nghị quy định theo hướng mở rộng các đối tượng giữ rừng, tạo sinh kế cho người được giữ rừng một cách phù hợp....
Cường Thịnh