Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La phát biểu tại kỳ họp thứ 3 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022
Sáng ngày 02/6/2022, tại Phòng họp Diên Hồng, nhà Quốc hội, đại biểu Hoàng Thị Đôi, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia phát biểu về nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
(Trích lược nội dung bài phát biểu của đại biểu Hoàng Thị Đôi: Đại biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đồng thời tham gia một số nội dung).
Thứ nhất: Về việc đánh giá bổ sung kết quả năm 2021, có 05 chỉ tiêu KTXH quan trọng không đạt mục tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 0,52 điểm % (mục tiêu đặt ra là 1-1,5 điểm %). Theo kết quả rà soát, các hộ nghèo, cận nghèo đa số là các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Con số này đặt ra, cần phải quan tâm toàn diện hơn đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên tập trung các nguồn lực, ban hành kịp thời các quy định, hướng dẫn để triển khai thực hiện có hiệu quả 03 chương trình mục tiêu quốc gia lớn mà Quốc hội đã thông qua (Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), đây là các chương trình mà đồng bào, cử tri và Nhân dân cả nước đang rất kỳ vọng… Đề nghị cần tiếp tục quan tâm có những chính sách, quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ hơn để đảm bảo thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc giúp đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển cùng đất nước; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo mục tiêu đề ra.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi phát biểu tại Hội trường.
Thứ hai: Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, đề nghị rõ hơn đối với Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 4 tại báo cáo của Chính phủ “Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; (ii) Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công…”, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm xem xét 2 nội dung:
Một là: Chính phủ cần sớm xây dựng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội thông qua Đề án thí điểm tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Đây là nội dung tại các kỳ họp trước, nhiều ĐBQH thảo luận cũng đã đề nghị, như: Trong Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; và tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đang xem xét Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa cũng có nội dung này. Như vậy, việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư là rất cần thiết. Đồng thời, nội dung này cũng đã được quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 29 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 141 ngày 14/11/2021 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11/2021. Tuy nhiên đến nay Đề án vẫn chưa được thông qua.
Hai là: Đề nghị Quốc hội xem xét giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên; HĐND cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Như quy định hiện nay, khi triển khai thực hiện ở các địa phương đều rất khó khăn, vướng mắc, gây sự chậm trễ trong thực hiện quy hoạch và triển khai các dự án. Tại các Nghị quyết của Quốc hội khóa XV đã ban hành về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Cần Thơ đều có nội dung này. Đồng thời, qua thảo luận tại kỳ họp, nhiều ĐBQH cũng đang đề nghị. Vì vậy, đây không còn là vấn đề đặc thù, mà vấn đề này rất cần thiết xem xét áp dụng cho tất cả các địa phương./.
Văn Khánh