01/11/2022
Cần quy định rõ khung pháp lý để kiểm soát các hình thức chuyển đổi, thỏa thuận trao đổi tiền thông qua các công cụ mã hóa trên không gian mạng
Lượt xem: 293
Sáng ngày 01/11/2022, tại Nhà Quốc hội dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Đại biểu Hoàng Thị Đôi phát biểu tại phiên thảo luận
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hoàng Thị Đôi - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đã đưa ra thông tin về dữ liệu trên không gian mạng, được một số người gán cho giá trị, được gọi là "tiền mã hóa", "tiền kỹ thuật số", "tiền điện tử". Là một hiện tượng kinh tế - xã hội; xuất hiện khoảng hơn 10 năm trở lại đây, sử dụng khoa học công nghệ, dữ liệu trên không gian mạng để thực hiện các thỏa thuận trao đổi giữa các cá nhân có xu hướng toàn cầu, vượt qua các quy định về mặt tài chính, tiền tệ của các quốc gia và khu vực. Đây là giao dịch trên các nền tảng trực tuyến hoặc thỏa thuận cá nhân, không chính thức và không hề được kiểm soát, do loại dữ liệu này chưa được pháp luật công nhận về mặt giá trị. Nhưng không vì thế mà không tồn tại các giao dịch, trao đổi, thỏa thuận có chức năng như một đồng tiền thực thụ. Tức là xét một khía cạnh nào đó, đã tồn tại thị trường giao dịch loại dữ liệu trên không gian mạng này; xét về mặt kinh tế, sẽ có tiền thật, tài sản thật đổ vào các loại tài nguyên này mà không hề có cách nào kiểm soát. Hậu quả đó là mất tiền của một số người dân nước ta trong thời gian qua khi do nhiều nguyên nhân đầu tư mong kiếm lời nhưng có sự sụp đổ của các loại tiền này, trong đó không loại trừ yếu tố lừa đảo. Đại biểu cho rằng: Đó là sự lãng phí về nguồn lực, cần được kiểm soát.
Tham gia vào điều luật cụ thể: Tại khoản 1 Điều 7 dự thảo luật quy định: "Việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền" theo đại biểu, quy định như trên vẫn chưa rõ, còn chung chung. Mặt khác, cũng tại khoản 1 Điều 7 dự thảo Luật quy định: Định kỳ 05 năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam…" quãng thời gian này chưa phù hợp với nội dung này. Định kỳ 5 năm mới đánh giá là dài so với tốc độ phát triển và nguy cơ, rủi ro về rửa tiền đối với hiện tượng đã phân tích. Từ các nội dung nêu trên, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung lại khoản 1 Điều 7, theo hướng quy định khung pháp lý để kiểm soát toàn bộ các hình thức chuyển đổi, thỏa thuận trao đổi tiền thông qua các công cụ mã hóa trên không gian mạng nhằm thực hiện phòng, chống rửa tiền và các loại tội phạm có liên quan. Đồng thời, cần làm rõ, thời điểm hiện tại chúng ta không xác nhận, thừa nhận "loại tiền mã hóa" trên không gian mạng này như một loại "tiền" mà là để xây dựng kỹ thuật lập pháp nhằm đảm bảo là một biện pháp, công cụ phòng, chống rửa tiền.
Đỗ Tuấn