03/11/2023
Cần quan tâm đến chính sách đất đai cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lượt xem: 218
Ngày 03/11/2023, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã dành cả ngày làm việc tại Hội trường thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Vi Đức Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu tham gia thảo luận.
Đại biểu Vi Đức Thọ phát biểu tại hội trường
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 6 đã được tiếp thu, điều chỉnh rất nhiều nội dung theo tham gia của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp trước. Để góp phần hoàn thiện Dự thảo luật, đại biểu Vi Đức Thọ đã tham gia đóng góp ý kiến vào chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và vấn đề thu hồi đất đối với phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Theo đại biểu, sau khi chỉnh lý, Dự thảo Luật đã có bổ sung một số quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS ở nhiều điều, khoản khác nhau. Tuy nhiên, về phạm vi, đối tượng được quy định trong Dự thảo là đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo; vùng đồng bào DTTS, miền núi, như vậy đã bị thu hẹp so với chủ trương Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục xem xét quy định chính sách đất đai cho đồng bào DTTS đảm bảo đúng theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và có ưu tiên cho đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo.
Đồng thời, đại biểu cũng có ý kiến tham gia về quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (tại Điều 16 Dự thảo). Theo đại biểu tại khoản 2, Điều 16 về chính sách hỗ trợ đất đai quy định như Dự thảo là chưa đầy đủ, sẽ tạo ra sự không công bằng, đại biểu chỉ ra hai lý do đó là: (1) Các hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở các địa bàn đồng bào DTTS&MN (đã được phân định) sẽ không được hưởng chính sách. (2) Các đối tượng DTTS không thuộc hộ nghèo, cận nghèo nhưng đang thiếu đất ở, đất sản xuất không được hưởng chính sách, trong khi có địa phương vẫn đảm bảo nguồn lực để thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại khoản 2 để bám sát vớt tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, như sau: “Có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, địa phương để bảo đảm ổn định cuộc sống, ưu tiên đối với các trường hợp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định sau đây: Giao đất ở trong hạn mức và được miễn tiền sử dụng đất đối với các trường hợp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; giảm tiền sử dụng đất đối với các trường hợp còn lại”.
Đối với vấn đề thu hồi đất đối với phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định tại Điều 79 của dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung về thu hồi đất đối với dự án khu đô thị, đồng thời nhấn mạnh Luật Đất đai hiện nay không có quy định thu hồi đất đối với dự án khu đô thị, trong khi đó việc phát triển và xây dựng các khu đô thị được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển nhà ở. Cũng theo đại biểu, nếu chỉ thu hồi và phát triển nhà ở thương mại sẽ không thể hiện được sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cũng như thay đổi diện mạo đô thị. Việc quy định thu hồi đất đối với phát triển khu đô thị trong Luật Đất đai cũng đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, bởi vì Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư cũng có các quy định về phát triển đô thị.
Văn Khánh