Tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trong 6 tháng đầu năm còn chậm được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại Kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khoá XV
Chiều ngày 11/7, tại Kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XV đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp đối với 03 Uỷ viên UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư;Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo và Chánh án Toà án nhân dân tỉnh.
Các đồng chí Nguyễn Thái Hưng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chá A Của - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa và điều hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn có các đồng chí: Lò Minh Hùng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Quốc Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh...
Toàn cảnh phiên chất vấn
Tham gia chất vấn tại Kỳ họp, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã bám sát thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân với nội dung chất vấn mang tính thời sự, liên quan thiết thực đến đời sống Nhân dân.
Đại biểu Lò Văn Tiến, Tổ đại biểu huyện Sông Mã nêu câu hỏi chất vấn
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lò Văn Tiến, Tổ đại biểu huyện Sông Mã chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện mục tiêu “tổng vốn đầu tư toàn xã hội” giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về việc thực hiện mục tiêu “tổng vốn đầu tư toàn xã hội” giai đoạn 2021 - 2025, đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nêu ra những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chỉ tiêu, đồng thời cũng đưa ra được các giải pháp cụ thể như: Tiếp tục tham mưu tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, Nghị quyết của HĐND tỉnh; tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; Tập trung thực hiện quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc chủ yếu của người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh…
Đại biểu Thào A Sinh, Tổ đại biểu huyện Thuận Châu nêu câu hỏi chất vấn
Đại biểu Thào A Sinh, Tổ đại biểu huyện Thuận Châu nêu câu hỏi chất vấn đối với đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội việc giải ngân thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn
Trả lời nội dung đại biểu HĐND tỉnh nêu về việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo tại phiên chất vấn Tổng nguồn vốn từ ngân sách trung ương giao tỉnh Sơn La thực hiện 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 là 8.173.962 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 4.320.533 triệu đồng; vốn sự nghiệp dự kiến 3.853.429 triệu đồng);nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là 1.288.776 triệu đồng (vốn đầu tư: 559.894 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 737.614 triệu đồng). Trong 6 tháng đầu năm 2024: số kinh phí thực hiện Chương trình đã giải ngân được 37.020 triệu đồng (bao gồm cả chuyển nguồn năm 2022, 2023 sang 2024), tỷ lệ giải ngân đạt 5,99% tổng vốn giao (vốn đầu tư giải ngân: 28.333 triệu đồng đạt 16,12%; vốn sự nghiệp giải ngân: 8.687 triệu đồng đạt 1,97%), như ý kiến chất vấn của Đại biểu HĐND tỉnh. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh tổ chức các cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xong tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao còn tương đối chậm. Để chủ động giải quyết các vướng mắc nêu trên đồng chí Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã đưa gia một số giải pháp như: Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác tham mưu trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quản lý, điều hành thực hiện Chương trình theo quy định. Phối hợp triển khai có hiệu quả các nội dung theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG; tăng cường công tác thông tin báo cáo, nắm bắt tiến độ triển khai và các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình báo cáo cấp có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ; tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình năm 2024 theo quy định.

Đồng chí Thào A Só - Trưởng Ban Pháp chế của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu huyện Vân Hồ nêu câu hỏi chất vấn
Đại biểu Thào A Só - Trưởng Ban Pháp chế của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu huyện Vân Hồ chất vấn đồng chí Chánh án Toà án nhân dân tỉnh việc thực hiện trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp hành chính tại Tòa án nhân dân.
Đồng chí Chánh án Toà án nhân dân tỉnh trả lời chất vấn
Trả lời chất vấn về việc thực hiện trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp hành chính tại Tòa án nhân dân, đồng chí Chánh án Toà án nhân dân tỉnh báo cáo Tính từ ngày 01/02/2023 (thời điểm Pháp lệnh số 03/2022 có hiệu lực thi hành) đến ngày 30/6/2024, các TAND cấp huyện đã thụ lý, giải quyết 1.541 hồ sơ đề nghị xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, trong đó: Từ ngày 01/02/2023 đến ngày 30/6/2023 là 523 hồ sơ; từ ngày 01/7/2023 đến ngày 30/6/2024 là 1.018 hồ sơ. Kết quả: Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng 15 trường hợp; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc 04 trường hợp; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 1.522 trường hợp. Việc xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND của các TAND cấp huyện bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật; không có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị. Tại phiên chất vấn đồng chí Chánh án Toà án nhân dân tỉnh cũng đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cũng nêu ra giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện việc xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND là các TAND cấp huyện tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện quy trình lập hồ sơ đề nghị và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND. Tăng cường sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện trong thực tiễn, kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên và cấp có thẩm quyền để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành phù hợp với thực tiễn thực hiện.
Trên cơ sở báo cáo trả lời của đồng chí Chánh án Toà án nhân dân tỉnh đồng chí Thào A Só tiếp tục truy vấn đặt câu hỏi đến đồng chí Chánh án về trường hợp Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đang trong thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người bị áp dụng bỏ trốn khỏi địa phương mà không biết người đó đang ở đâu thì TAND tổ chức thi hành quyết định như thế nào. Trả lời nội dung nay đồng chí Chánh án nêu trong trường hợp này thì quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án vẫn được thi hành.
Đồng chí Lò Thị Thảo - Tổ đại biểu huyện Quỳnh Nhai nêu câu hỏi chất vấn
Đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn
Cũng tại phiên chất vấn, các vị đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề chậm trình ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày để được hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính Phủ. Trả lời nội dung này đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo Sở đã nghiên cứu, chủ động tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh theo hướng đảm bảo tách bạch rõ thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND và UBND tỉnh, đồng thời đảm bảo sự ổn định tương đối của Nghị quyết và giải quyết kịp thời chính sách cho học sinh khi có sự thay đổi trên thực tiễn. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa đồng thuận với quan điểm xây dựng Nghị quyết theo định hướng nêu trên và đề nghị Sở GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết theo quy định tại điểm a, khoản 5 Nghị định số 116/2016/NĐ-CP do đó, nội dung tham mưu ban hành Nghị quyết này đang bị chậm so với yêu cầu đề ra. Tại phiên chất vấn đồng chí cũng đưa ra hai phương án để tham mưu xây dựng Nghị quyết.

Đồng chí Nguyễn Thái Hưng phát biểu tại phiên chất vấn
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thái Hưng khẳng định: Sau một thời gian làm việc với tinh thần nghiêm túc, trí tuệ và trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ chín của HĐND tỉnh khóa XV đã hoàn thành các nội dung, yêu cầu đề ra. Đồng chí ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị, tinh thần trách nhiệm của các Ban, các Tổ và đại biểu HĐND tỉnh trong việc lắng nghe, phản ánh những vấn đề mà cử tri, Nhân dân quan tâm để đưa vào chất vấn. Nội dung chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh vừa thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của HĐND tỉnh vừa thể hiện sự chia sẻ, đồng hành trong quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước để tìm ra các giải pháp, các quyết sách phù hợp, đáp ứng niềm tin, sự mong mỏi của cử tri và nhân dân. Các đồng chí trả lời chất vấn đã bám sát nội dung câu hỏi chất vấn, trả lời rõ nội dung được hỏi.
Để thực hiện hiệu quả cam kết sau chất vấn, HĐND tỉnh đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố bám sát nội dung trả lời chất vấn; tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Sau Kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh sẽ ban hành Thông báo kết luận phiên chất vấn, làm cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện cam kết chất vấn; giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban, các Tổ, các vị đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các nội dung đã hứa tại Kỳ họp./.
Ngọc Trà