Sốp Cộp: Ban Kinh tế - Xã hội giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022 - 2023
Thực hiện chương trình giám sát theo Quyết định số 133/QĐ-KTXH ngày 24/7/2024 của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện về việc thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022 - 2023 (Chương trình mục tiêu quốc gia). Đoàn giám sát do đồng chí Bùi Vĩnh Phúc - Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện làm trưởng đoàn đã giám sát trực tiếp đối với UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện và UBND các xã trên địa bàn.
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện và các phòng, ban có liên quan
Giai đoạn 2022 - 2023, UBND huyện Sốp Cộp đã triển khai thực hiện 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị; dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; dự án 7 về chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; dự án 10 về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình. Tổng nguồn vốn được giao thực hiện Chương trình trong hai năm 2022 - 2023 là 127.518 triệu đồng, giá trị giải ngân đến ngày 31/01/2024 là 103.997 triệu đồng, đạt 81,56% tổng vốn giao thực hiện.

Điểm sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai bản Pu Hao, xã Mường Lạn
Kết quả trong giai đoạn 2022 - 2023, đã triển khai hỗ trợ được nước sinh hoạt tập trung cho 06 bản tại 05 xã; bồn đựng nước sinh hoạt phân tán cho 258 hộ nghèo có khó khăn về nước sinh hoạt tại các xã trên địa bàn huyện; nhà ở cho 07 hộ tại xã Mường Và; khoán bảo vệ đối với 56.062,13ha rừng đặc dụng, phòng hộ tại các xã trên địa bàn huyện với số tiền 24.518,432 triệu đồng; thiết chế văn hoá cho 4 bản tại 4 xã, duy trì hoạt động 03 đội văn nghệ truyền thống tại 03 xã. Thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư cho 81 hộ dân tại bản Pu Hao, xã Mường Lạn với số tiền 13.080 triệu đồng; đầu tư xây dựng 12 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, duy tu, sửa chữa 20 công trình tại các xã, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn với số tiền 42.186 triệu đồng: xây dựng cơ sở vật chất cho một đơn vị trường học với số tiền 15.515 triệu đồng; xây dựng điểm du lịch tiêu biểu với số tiền 1.966 triệu đồng. Đã huy động mở được 13/23 lớp xoá mù chữ với 339/548 học viên (đạt 56,52% số lớp, đạt 61,86% số học viên so với kế hoạch) chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái; tổ chức được 08 lớp đào tạo nghề cho 277 người là lao động nông thôn trên địa bàn huyện, 19 Hội nghị tuyên truyền triển khai công tác bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; hoạt động truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 07 đơn vị trường học; 06 Hội nghị tập huấn về hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 2.776 người là cán bộ bản, các đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn huyện, 01 Hội nghị cung cấp thông tin cho 84 người có uy tín và đưa 67 đại biểu là người có uy tín đi thăm quan, học tập một số mô hình tại các huyện trong tỉnh.

UBND đầu tư hạ tầng và thiết chế văn hoá bản Púng, xã Púng Bánh
Như vậy, có thể thấy việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, kinh tế - xã hội của huyện đã có bước phát triển tích cực, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tự nhận thức được trách nhiệm, xác định được mình là chủ thể chính trong việc thực hiện Chương trình, chủ động, tự giác đóng góp nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, từng bước đưa huyện Sốp Cộp thoát khỏi huyện nghèo của tỉnh.
UBND huyện đầu tư hỗ trợ duy trì hoạt động các đội văn nghệ truyền thống
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: Tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án còn chậm, tỷ lệ giải ngân một số dự án còn thấp; công tác chỉ đạo của một số cơ quan, đơn vị, UBND cấp xã chưa quyết liệt; hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành còn thấp, sự phối hợp thiếu tính thường xuyên; nhận thức của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế nên việc huy động, đóng góp, tham gia thực hiện Chương trình còn gặp khó khăn…Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, UBND huyện đã đề ra các giải pháp để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tiếp theo tốt hơn, trong đó có một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục quán triệt triển khai Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2023, định hướng đến năm 2030; xây dựng trình HĐND huyện quyết định kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình muc tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện; kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo, bộ máy giúp việc thực hiện Chương trình; thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình; thực hiện cơ chế phân cấp quản lý, trao quyền cho địa phương, cơ sở và người dân trực tiếp tham gia thực hiện Chương trình; thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, biểu dương khen thưởng những gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, Đoàn giám sát đề nghị UBND huyện cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung: Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về vai trò, ý nghĩa, nội dung của chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, kiến nghị giải quyết những khó khăn vướng mắc, bổ sung, khắc phục một số hạng mục các công trình đã thi công khu tái định cư vùng thiên tai, chú trọng công tác đào tạo nghề lao động nông thôn có hiệu quả./.
Cầm Du