Phù Yên: Giám sát về phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025
Thực hiện chương trình giám sát theo Quyết định số 77/QĐ-TTHĐND ngày 10/6/2024 của Thường trực HĐND huyện về thành lập Đoàn giám sát việc triển khai thực Đề án số 04-ĐA/HU ngày 28/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phù Yên về phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 (Đề án 04); Đoàn giám sát do đồng chí Hồ Đăng Thanh - Uỷ viên Ban Thường vụ huyện uỷ, Phó Chủ tịch HĐND huyện làm Trưởng đoàn đã giám sát trực tiếp đối với UBND huyện và các phòng, ban: Tài chính - Kế hoạch, Kinh tế - Hạ tầng, Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài nguyên - Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng; UBND 03 xã: Gia Phù, Mường Thải và Quang Huy.
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện và các phòng, ban có liên quan
Với mục tiêu của Đề án 04 là đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội tạo động lực phát triển kinh tế xanh, nhanh và bền vững; làm tốt công tác thu hút đầu tư, xã hội hóa đầu tư, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm trên toàn huyện đạt khoảng 13.250 tỷ đồng (bình quân 2.650 tỷ đồng/năm). Trong đó: thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách phấn đấu tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2016 - 2020; bình quân mỗi năm thu hút đầu tư từ 1-2 dự án đầu tư trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, mở rộng các phân xưởng sản xuất của các nhà máy hiện có theo quy hoạch đã được phê duyệt giai đoạn 2;…Triển khai thu hút các cơ sở sản xuất công nghiệp ít gây ô nhiễm môi trường. Phấn đấu đến năm 2025 thu hút các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp đạt tỷ lệ trên 50% diện tích đã quy hoạch. Qua giám sát cho thấy, sau hơn 03 năm triển khai thực hiện Đề án số 04, UBND huyện đã chủ động ban hành các văn bản để triển khai thực hiện; quán triệt, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện; chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức quán triệt Đề án 04 đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời ban bàn hành các văn bản và phối hợp triển khai thực hiện Đề án 04 trên địa bàn. UBND huyện đã chủ động rà soát điều kiện, phân tích tiềm năng, thế mạnh về thu hút đầu tư của huyện gắn với các quy hoạch đã được phê duyêt, kịp thời đề xuất với UBND tỉnh đưa vào danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn huyện trong giai đoạn. Chủ động trong kêu gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hỗ trợ về thủ tục triển khai dự án trên địa bàn huyện, như: Dự án Điểm du lịch Suối Chiếu và dự án thuỷ điện Suối Lèo xã Tân Lang; hiện nay, 02 dự án đang hoàn thiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất và hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng.
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 và Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được UBND tỉnh phê duyệt, hiện nay trên địa bàn huyện Phù Yên có Cụm công nghiệp (CCN) Gia Phù và điểm Công nghiệp (ĐCN) Quang Huy đang hoạt động. Qua giám sát cho thấy, Nhà máy sản xuất hàng may mặc do Công ty Cổ phần sản xuất và Thương mại Tâm Việt (Công ty trách nhiệm hữu hạn May Phù Yên) hoạt động ổn định; dự án đã việc làm ổn định cho trên 350 lao động trên địa bàn với mức thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng (Số lượng người lao động giảm so với trước khi triển khai Đề án). Nhà máy luyện đồng Gia Phù, do dự án không đảm bảo các yếu tố về bảo vệ môi trường và nguồn lực thực hiện dự án theo tiến độ đã đăng ký và cam kết với cơ quan đăng ký đầu tư nên hiện tại đã dừng hoạt động. UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi chứng nhận đầu tư và giao cho UBND huyện Quản lý. Xí nghiệp giày da Ngọc Hà (Cơ sở 2) đang hoạt động ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.850 lao động nông thôn với mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng/người.
Ngoài các dự án trong CCN Gia Phù và ĐCN Quang Huy trên địa bàn huyện còn có các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông thôn, dịch vụ trên địa bàn, đó là: Xí nghiệp giày da Ngọc Hà (cơ sở 1) tại xã Huy Hạ, đang giải quyết việc làm cho hơn 800 lao động với mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng/người. Nhà máy gạch Tuynel Huy Thượng do Công ty Cổ phần Thành An Sơn La đầu tư tại xã Huy Thượng với quy mô công suất khoảng 36 triệu viên/năm, đã giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động với mức lương bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng/người. Hoàn thành và đi vào hoạt động 4 dự án cửa hàng xăng dầu đó là dự án: Cửa hàng xăng dầu Tiến Anh, Cửa hàng xăng dầu Huy Tường, Cửa hàng Xăng Dầu Mường Thải, Cửa hàng xăng dầu Tường Phong. Dự án Trung tâm thương mại - Dịch vụ Hải Anh. Ngoài ra, huyện thu hút đầu tư 05 cửa hàng xăng dầu, đến nay, cả 05 dự án đều đã được cấp chủ trương đầu tư và đang hoàn thiện thủ tục về đất đai để đầu tư xây dựng đó là các dự án: Cửa Hàng Xăng Dầu Cửa hàng Xăng Dầu Mường Bang; Cửa hàng Xăng Dầu Tân Phong; Cửa hàng xăng dầu Mường Do; Cửa hàng Xăng Dầu Tường Tiến; Cửa hàng xăng dầu Tường Phù.
Trên địa huyện có 05 nhà máy thuỷ điện, trong đó: Có 03 nhà máy thủy điện đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác với tổng công suất 44,4 MW thủy điện Suối Sập 2 thuộc xã Suối Tọ và Suối Bau, do Công ty TNHH Trường Thành làm chủ đầu tư; Dự án thủy điện Suối Sập 3 thuộc địa bàn xã Suối Bau, huyện Phù Yên do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bắc Minh làm chủ đầu tư; Dự án thủy điện Mường Bang thuộc xã Mường Bang, do Công ty Cổ phần năng lượng và Thương mại Đông Á làm chủ đầu tư; Dự án nhà máy thuỷ điện đang trong giai đoạn thi công và hoàn thiện đó là nhà máy Thuỷ điện Háng Đồng B, với tổng công suất 28 MW và Dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang hoàn thiện các thủ tục về đất đai đó là Thuỷ điện Suối Lèo, xã Tân Lang với công suất 5 MW; Các nhà máy thuỷ điện đã giải quyết việc làm cho hơn 150 lao động trên địa bàn huyện với mức lương khoảng 8-10 triệu đồng/tháng/người.
Như vậy, có thể thấy việc triển khai thực hiện các cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút được các nhà đầu tư ngoài huyện vào đầu tư; bước đầu tạo thế vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tạo việc làm chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp “ly nông không ly hương” tạo thu nhập ổn định cho người lao động có việc làm thường xuyên. Các dự án thu hút đầu tư được hoàn thành đã phát huy hiệu quả, cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần nâng cao trình độ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị hàng hoá trên một đơn vị diện tích, cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước xoá đói giảm nghèo, đặc biệt nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Việc vận động, thu hút đầu tư vào địa bàn huyện trong thời gian qua đã huy động được nguồn lực khá lớn, với các nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày một tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án 04 trên địa bàn huyện Phù Yên còn có một số khó khăn, vướng mắc, như: Một số cơ quan, đơn vị chậm xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Đề án cả giai đoạn, một số xã không có kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, Đoàn thể chính trị ở một số xã chưa thực sự vào cuộc để cụ thể hóa việc thực hiện Đề án ở cơ quan, đơn vị, tổ chức mình; công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án chưa được quan tâm đúng mực. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đầu tư trên địa bàn huyện còn chậm; chưa thu hút thêm được các nhà đầu tư mới vào đầu tư, số lượng dự án đầu tư chưa nhiều. Một số dự án đã được đưa vào quy hoạch, kế hoạch và có quyết định chủ trương đầu tư nhưng đến thời điểm giám sát chưa triển khai thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng các quỹ đất thu hút đầu tư. Còn thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi riêng để thu hút, kêu gọi đầu tư;…Để tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, UBND huyện đã đề ra các giải pháp để triển khai thực hiện Đề án trong thời gian tiếp theo tốt hơn, trong đó có một số giải pháp trong tâm như: Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chuyên ngành: nông nghiệp, giao thông, đô thị, phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ; Tổ chức quản lý, thực hiện tốt quy hoạch, Mở rộng thị trấn Phù Yên đạt đô thị loại IV theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tăng cường quản lý đầu tư theo quy hoạch, đảm bảo quá trình phát triển phù hợp với quy hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư; Đẩy mạnh khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương phát triển các ngành, sản phẩm chủ lực có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao gắn với liên kết chuỗi giá trị, hướng tới xuất khẩu hàng hóa; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, thống nhất với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với đặc thù và quy mô phát triển dân số của từng địa phương, từng khu đô thị; Kiến nghị với cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách, hỗ trợ thu hút đầu tư “trong cụm công nghiệp, điểm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh”.

Đồng chí Hồ Đăng Thanh - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện và các phòng, ban có liên quan
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án trong thời gian tới Đoàn giám sát đề nghị UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn: Tiếp tục quan tâm rà soát bổ sung các giải pháp thực hiện Đề án 04; sớm đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, điểm công nghiệp trên địa bàn huyện để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, theo hướng tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh của địa phương vào sản xuất, kinh doanh tập trung tại khu công nghiệp, điểm công nghiệp của huyện đã được quy hoạch. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc ban hành các kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Đề án 04 đối với các xã, thị trấn gắn với tuyên truyền, huy động, tăng cường công tác quản lý, phát huy được hiệu quả các nguồn lực đã được đầu tư hoàn thành. Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng khung kết nối đến các vị trí thu hút đầu tư (đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước,...) để bảo đảm tính đồng bộ, tăng tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện các dự án đầu tư.... Tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và sản xuất kinh doanh tại cụm công nghiệp, điểm công nghiệp gắn với công tác quản lý Nhà nước chặt chẽ đối với các Công ty, doanh nghiệp... Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên ngành cho đội ngũ tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng các cụm công nghiệp./.
Lò Dược